top of page

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc đến ngày cuối cùng của đời mình

Trong suốt quá trình điều trị tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn làm việc cho đến khi trút hơi thở cuối cùng - đây là chia sẻ của cán bộ nhân viên y tế nơi đây.

Tác giả: D.LIỄU


Thiếu tá, điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng vẫn giữ thói quen gấp chăn, gối, lau bàn làm việc, sắp xếp các chồng tài liệu và báo chí gọn gàng - Ảnh: VIETNAMPLUS


Mọi người còn nhớ về nghị lực lạc quan chiến đấu với bệnh tật, sự tận tâm với công việc và tình cảm ân cần, chia sẻ của ông dành cho các cán bộ y tế.


Tổng bí thư làm việc đến cuối đời


Đối với các y bác sĩ bệnh viện, Tổng bí thư là một "bệnh nhân đặc biệt" bởi ông là người luôn phối hợp, tuân thủ trong công tác điều trị. 


Thiếu tướng Lê Hữu Song, giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108, chia sẻ sau mỗi lần xin ý kiến Tổng bí thư về phương án điều trị, sử dụng các kỹ thuật chăm sóc, ông đều nói một câu rất ấm lòng: "Tuân chỉ".


"Điều ấy giúp chúng tôi tự tin hơn và mong muốn được chăm sóc Tổng bí thư một cách tốt nhất. Ông cũng chưa bao giờ khó chịu với việc chăm sóc của nhân viên y tế, luôn kiên trì điều trị. 


Trong suốt quá trình điều trị, mặc dù có mệt nhưng Tổng bí thư vẫn luôn cố gắng, tập từng bước để sức khỏe bình phục trở lại. Có lúc mệt mỏi không muốn ăn, nhưng ông vẫn cố gắng ăn theo tiêu chuẩn để có được sức khỏe tiếp tục làm việc. 


Đặc biệt, trong những ngày cuối sức khỏe yếu dần đi, Tổng bí thư vẫn duy trì cường độ làm việc. Ấn tượng đó khiến mọi người thấy mình quá nhỏ bé", thiếu tướng Song nói.


Là người trực tiếp chăm sóc cho Tổng bí thư nhiều năm qua, PGS.TS Nguyễn Phương Đông kể, khoảng 9h - 9h30 sáng hằng ngày, Tổng bí thư nghe các trợ lý, thư ký báo cáo tình hình công việc. 


Từ sau 10h30 và buổi chiều, Tổng bí thư dành thời gian tiếp các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Khi nào thấy sức khỏe tốt, Tổng bí thư ngồi đọc tài liệu, nghiên cứu tài liệu.


"Ông đã làm việc cho tới hơi thở cuối cùng. Ngày 13-7, ông vẫn làm việc nhưng chiều chúng tôi phải đặt ống thở máy. Giây phút cuối cùng biết không thể cứu ông, chúng tôi cảm thấy mình như sắp xa một người cha, một người ruột thịt, nhiều người bật khóc. 


Chúng tôi thấy rất buồn, trống vắng, hụt hẫng, tiếc thương như mất đi điều gì đó thiêng liêng không thể tả nổi", PGS.TS Đông tâm sự.


Kỷ niệm về vị lãnh đạo gần gũi, hóm hỉnh


Điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng nhớ về những kỷ niệm trong quá trình chăm sóc Tổng bí thư và ấn tượng bởi vị lãnh đạo giản dị, mộc mạc, hiền lành, hóm hỉnh. 

"Khi gặp chúng tôi, ông luôn hỏi han xem con cái chúng tôi đi học thế nào, các cháu bao nhiêu tuổi, có khó khăn gì không. Những lúc ông ngồi ngắm sông Hồng và đi bộ ngoài hành lang của khoa, đi bộ buổi sáng và tối, ông luôn nói chuyện vui vẻ.


Trong thời gian điều trị, gần như ông không có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Khi tỉnh giấc, ngoài thời gian uống trà buổi sáng, tập thể dục, ông còn dành thời gian đọc báo, làm việc, tiếp khách. Khi nào mệt, Tổng bí thư sẽ đề nghị được nghỉ ngơi", bà Hồng xúc động nhớ lại.


Theo bà Hồng, Tổng bí thư cũng rất thích hát bài Bài ca Bắc Sơn. Khi đó, các anh em trong ca trực đều tập cùng ông và hát cùng vài câu: "Bắc Sơn nơi đó xa trường xưa, Bắc Sơn đây núi rừng chiến khu...", không khí rộn cả góc hành lang.

17 views0 comments

Kommentare


bottom of page