top of page
Writer's pictureBáo Tuổi Trẻ

Chính sách đặc thù phát triển TP.HCM: Dấu ấn quyết sách quyết liệt của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nghị quyết 54 ra đời có dấu ấn quyết sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.


Tác giả: TIẾN LONG


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với lãnh đạo TP.HCM nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ảnh chụp tháng 1-2018 - Ảnh: TỰ TRUNG


Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được Quốc hội thông qua năm 2017 (nghị quyết 54) là quyết sách đầu tiên trong cả nước cho một địa phương được làm những việc không có hoặc khác luật.


Chia sẻ với Tuổi Trẻ về sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Thiện Nhân - nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM - nói trên mỗi cương vị công tác của bản thân, ông đều có ấn tượng về tầm nhìn, quyết sách, phong cách làm việc của Tổng bí thư.


Trong đó, ấn tượng nhất là sự quyết liệt, tầm nhìn của Tổng bí thư giúp TP.HCM có được quyết sách về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù.


Không nói nhiều, khi nói là làm ngay


* Sự quyết liệt, tầm nhìn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?


- Năm 2017, ngay khi tôi quay về TP.HCM, qua làm việc để giải quyết những điểm nghẽn, vướng mắc với sở, ngành và Thường vụ Thành ủy TP đã xác định phải xây dựng ngay đề án thí điểm cơ chế chính sách đặc thù để phát triển TP.


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi cùng Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trong chuyến thăm và làm việc với Thành ủy TP.HCM tháng 9-2022 - Ảnh: SGGP


Khi đó là tháng 6, TP chỉ còn bốn tháng để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp cuối năm.


Hai trở ngại lớn nhất là chương trình công tác năm của Bộ Chính trị và chương trình kỳ họp tháng 10-2017 của Quốc hội không có nội dung này, trong khi muốn được thông qua phải hoàn thành đề án và được Bộ Chính trị kết luận trước khi Quốc hội họp.

"Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan ở Trung ương theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với TP để giải quyết cụ thể những đề xuất, kiến nghị của TP.HCM với tinh thần "TP.HCM vì cả nước" và "Cả nước vì TP.HCM"; tạo điều kiện tốt nhất có thể để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững hơn nữa".

Tổng bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

(phát biểu tại buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM tháng 9-2022)


Khi chuẩn bị sơ bộ, tôi trực tiếp báo cáo và được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng ý đưa vào chương trình họp của Bộ Chính trị.


Thế là sau khi TP báo cáo và được Bộ Chính trị góp ý, Tổng bí thư đã kết luận cho phép Chính phủ trình ra Quốc hội trong kỳ họp tháng 10-2017. Kết luận này cực kỳ quan trọng, mở hướng để lần đầu tiên cho phép một địa phương được phép làm khác luật một số việc, một số nội dung chưa từng có.


Nếu không có chỉ đạo của Tổng bí thư, nghị quyết về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù của TP.HCM cũng không thể được thông qua trong năm 2017 mà sớm nhất là giữa năm 2018. Thực tế là từ ngày báo cáo Quốc hội cho đến lúc Quốc hội thông qua đúng một tháng.


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM ngày 23-9-2022. Trong ảnh, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chào Tổng bí thư - Ảnh: SGGP


* Từ câu chuyện trên, ông cảm nhận như thế nào về phong cách làm việc cũng như quyết sách khi lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng bí thư?


- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có một đặc điểm là với những vấn đề lớn ông không nói dài, không nói lâu nhưng đã nói ra vấn đề nào rồi thì cần phải triển khai ngay.


Từ những năm 2002 - 2003 đến lúc tôi về TP năm 2017 là gần 15 năm, việc xin cơ chế, chính sách đặc thù đã được lãnh đạo TP các nhiệm kỳ bàn nhiều lần, đã có một số dự thảo nhưng chưa "chín" để trình Bộ Chính trị.


Đặc điểm kinh tế, dân số, địa lý... của TP.HCM có những điểm rất riêng so với các địa phương khác. Các quy định pháp luật chung khi áp dụng vào TP trong một số lĩnh vực giống như chiếc áo chật, gò bó, cản trở sự đột phá, sáng tạo và phát triển của TP.


Thực tiễn đó buộc chính quyền TP phải suy nghĩ đến việc xin thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù riêng.


Khi TP trình đề án về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, trong thời gian rút ngắn như đã nói ở trên, nếu Bộ Chính trị và Tổng bí thư không thật sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ, quyết liệt thì sẽ không kịp và TP không thể làm thí điểm năm 2018 mà sớm nhất phải đến năm 2019.


Trên cơ sở thí điểm của TP.HCM, đến nay đã có tám tỉnh, TP xây dựng và trình Quốc hội cơ chế, chính sách đặc thù. Điều đó thể hiện tầm nhìn của Bộ Chính trị và Tổng bí thư để TP.HCM phát triển xứng tầm với vai trò đầu tàu, qua đó góp phần hình thành mô hình cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương trong cả nước.


Trăn trở đội ngũ cán bộ của TP.HCM có tâm và xứng tầm


* Suốt thời gian giữ cương vị đứng đầu lãnh đạo Đảng bộ TP.HCM, ông có ấn tượng nào nữa về chỉ đạo, gợi ý, dặn dò của Tổng bí thư với sự phát triển TP?


- Khi chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ TP.HCM trình Bộ Chính trị dự thảo báo cáo toàn diện về kết quả và định hướng phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng của TP nhiệm kỳ mới.


Khi đó Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói một ý ngắn gọn nhưng rất quan trọng là TP.HCM được mang tên Bác là một vinh dự to lớn không địa phương nào có được, TP phải có trách nhiệm phát triển xứng đáng.


Chúng tôi sau đó bàn bạc và nhận thức sức mạnh của TP không chỉ nằm ở cơ sở vật chất, kinh tế, quan hệ hợp tác mà còn ở sức mạnh văn hóa của con người Việt Nam mà tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo TP.HCM trong lần Tổng bí thư thăm và làm việc với Thành ủy TP.HCM tháng 9-2022 - Ảnh: SGGP


Vậy làm sao để phong cách, tư tưởng, ý chí, văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào mỗi công dân TP để trở thành sức mạnh đặc thù của nhân dân, Đảng bộ và chính quyền TP. Từ đó chúng tôi đề xuất xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.


Hơn ba năm qua nội dung này trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP đã được các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở triển khai rất tích cực, sáng tạo và là một nét mới trong đời sống và chính trị của TP.


"Những quyết sách Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho TP.HCM khi xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho thấy ông là người dẫn dắt đổi mới và khi xác định cần đổi mới thì phải làm quyết liệt, chọn vấn đề trúng và làm quyết liệt ngay để ra kết quả, chứ không phải chọn và làm từ từ".

Ông NGUYỄN THIỆN NHÂN


* Còn về phát triển, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở TP.HCM, có chỉ đạo, gợi ý nào của Tổng bí thư đáng chú ý, thưa ông?


- Tổng bí thư rất quan tâm đến việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ có tâm và xứng tầm cho TP. Trong giai đoạn chuyển từ bao cấp sang kinh tế thị trường, TP.HCM là địa bàn có sáng kiến mới của nhân dân, của lãnh đạo và là đầu tàu trong đổi mới thể chế. TP.HCM cũng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó sứ mệnh đầu tàu kinh tế của cả nước.


Kết luận trong chuyến làm việc cuối cùng tại TP.HCM, Tổng bí thư mong đợi và tin tưởng vững chắc rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM sẽ tăng cường đoàn kết, chung sức đồng lòng, quyết tâm đổi mới mạnh hơn nữa; nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa; phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu tàu, động lực phát triển mạnh mẽ của mình đối với vùng Đông Nam Bộ, xứng danh "Đất thép, Thành đồng", "Hòn ngọc Viễn Đông", "Niềm tin yêu và tự hào của cả nước".


Từ dấu ấn chỉ đạo của Tổng bí thư chúng ta đã được tạo những điều kiện phát triển mới. Bây giờ phải làm sao xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân và của Tổng bí thư. 


Đó là tiếp tục phấn đấu sáng tạo hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, lắng nghe ý kiến của nhân dân sâu sắc hơn nữa, với trách nhiệm lãnh đạo cao hơn nữa của Đảng bộ TP để phát triển xứng đáng là TP mang tên Bác.


43 views0 comments

Comentarios


bottom of page