top of page

4 ấn tượng sâu sắc với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chia sẻ những ấn tượng sâu sắc về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong quãng thời gian làm việc cùng người "anh cả" tại Quốc hội.


Tác giả: THÀNH CHUNG


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội năm 2012 - Ảnh: VIỆT DŨNG


Trao đổi với Tuổi Trẻ, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định trong hơn 5 năm giữ cương vị chủ tịch Quốc hội (từ 2006 - 2011), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hoàn thành lời hứa của mình khi phát biểu nhậm chức chủ tịch Quốc hội khóa XII vào ngày 23-7-2007.


Lời hứa đó là "sẽ phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân".


Quan trọng hơn, trong gần 3 nhiệm kỳ giữ cương vị người đứng đầu Đảng, Tổng bí thư càng cho thấy ông đã hết lòng hết sức phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc. Đó là một tấm gương đạo đức cách mạng có sức lan tỏa vô cùng lớn với thế hệ sau.


Kính trọng người "anh cả"


* Là người có thời gian làm việc cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, những điều gì ở Tổng bí thư mà ông ấn tượng, thưa ông?


- Tôi may mắn có quãng thời gian gần 5 năm là người cộng sự, làm việc với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.


Thời điểm đó, Tổng bí thư giữ cương vị chủ tịch Quốc hội khóa XII, còn tôi là phó chủ tịch Quốc hội phụ trách mảng kinh tế, tài chính - ngân sách và khoa học - công nghệ. Thời gian không nhiều nhưng để lại cho tôi những ấn tượng rất sâu sắc, vô cùng kính trọng về người lãnh đạo trực tiếp, người "anh cả - bác Trọng" mà chúng tôi thường gọi.


Ấn tượng đầu tiên, phải khẳng định anh Trọng là con người có hiểu biết rộng, bao trùm tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao...


Anh cũng có tầm nhìn xa, tầm nhìn chiến lược về các vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước. Cho nên khi là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thì những hiểu biết của anh được thể hiện vào quá trình triển khai công việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội khi đó.


Anh thường nhắc nhở tôi phải rất chú ý nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Trong đó, thực tiễn là linh hồn, gắn thực tiễn với lý luận hài hòa với nhau. Có như vậy, tham mưu, đưa ra các nội dung gắn liền với các báo cáo, đề án, dự án luật mới đi vào cuộc sống.


Ấn tượng thứ hai, anh Trọng là người lãnh đạo luôn đặt ra yêu cầu cao về trách nhiệm, tính hiệu quả của công việc được giao. Đặc biệt khi đã giao rồi anh Trọng rất tin tưởng ở mọi người, ít khi nhắc lại. Chính vì niềm tin đó nên mọi người càng phải lao vào làm việc tốt hơn.


Thế nhưng trong đời sống hằng ngày anh lại là người rất chân thành, thân tình, cởi mở, chan hòa, dễ gần như người thân trong gia đình. Chính vì vậy có những việc chung, việc riêng cũng dễ tâm tình, phản ánh để người lãnh đạo biết được và có chỉ đạo hiệu quả.


Ấn tượng thứ ba, anh Trọng là người rất coi trọng phát huy dân chủ trong sinh hoạt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Rất trân trọng, lắng nghe một cách chân thành, lắng nghe thực tâm chứ không phải hình thức với các chuyên gia, đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân (trực tiếp hoặc gián tiếp).


Chính vì thế trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo, anh đưa ra các ý kiến sát với thực tế, người dân, đòi hỏi thiết thực với người dân. Từ đó giúp các quyết sách, luật của Quốc hội dễ đi vào đời sống, thu hút sự đồng tình và ủng hộ cao của cử tri, nhân dân cả nước.


Ấn tượng thứ tư, anh Trọng là người rất khiêm tốn, hiền từ nhưng rất kiên quyết trong các vấn đề mang tính nguyên tắc, kỷ cương công việc. Khi phát biểu hay viết, anh rất cẩn thận, chỉn chu, thể hiện bằng các từ ngữ và cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề chứ không vòng vo, mở đầu khóa đuôi dài dòng.


Anh không nói nhiều nhưng rất chặt chẽ. Vì vậy tiết kiệm được thời gian, chất lượng ý kiến phát biểu, viết có tính chỉ đạo, dễ đi vào các đối tượng cán bộ, quần chúng. Thực tế không ít người hay dùng những từ ngữ mỹ miều, bay bổng nhưng ở anh Trọng thì không phải vậy, từ ngữ rất đơn giản và dễ hiểu.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng gặp đoàn đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Hà Tĩnh ra thăm Hà Nội ngày 28-6-2010 - Ảnh: TTXVN


Tạo cảm hứng để cấp dưới hoàn thành tốt nhiệm vụ


* Vậy đâu là nội dung được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng giao điều hành mà ông nhớ nhất?


- Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, có sự chuyển mình về tổ chức. Trong đó, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách được tách làm hai, gồm Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Việc tách này giúp Quốc hội có thực quyền hơn trong xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính công, tài sản công, thu - chi ngân sách nhà nước...


Với các khối của Quốc hội, anh Trọng không bao giờ so sánh khối này quan trọng hơn khối kia mà đều tạo cảm hứng để các khối, lĩnh vực cố gắng hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.


Riêng khối kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ, anh Trọng rất tin tưởng tôi. Khi điều hành Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội, anh hoàn toàn không can thiệp, áp đặt mà rất dân chủ.


Anh rất chịu khó lắng nghe các ý kiến đa chiều, ít khi phát biểu trước trong các phiên họp. Với các nội dung giao cho tôi điều hành, phụ trách khi còn nhiều ý kiến khác nhau, báo cáo lại anh, anh thường đề nghị tôi cân nhắc kỹ lưỡng, lắng nghe, xem xét các ý kiến để điều hành, xử lý hợp lý.


Một người cán bộ lãnh đạo tin vào cán bộ cấp dưới là điều ít người lãnh đạo có được. Bởi thực tế có không ít người lãnh đạo giao cho cấp dưới rồi nhưng vẫn cảm thấy ngờ vực và nhiều khi còn can thiệp, bao sân vào, hạn chế tính sáng tạo của anh em.


Trong các buổi sinh hoạt hằng ngày, giao ban hằng tuần của chủ tịch Quốc hội với các phó chủ tịch Quốc hội hay gặp mặt riêng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, anh Trọng cũng đều chia sẻ "chúng mình được Đảng giao, dân giao nên cố gắng tham mưu cho Quốc hội hoàn thành một cách tốt nhất có thể các chức năng của Quốc hội".


Ông Nguyễn Đức Kiên nói: "Nhiều tư tưởng, chỉ đạo của anh khi làm chủ tịch Quốc hội khóa XII đến nay vẫn đang được tiếp nối. Quan trọng hơn cả là các thế hệ tiếp theo phải tiếp tục phát huy được những trí tuệ, đóng góp to lớn của anh cũng như các lãnh đạo Quốc hội khác trong hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Để Quốc hội luôn xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp".



66 views0 comments

Comments


bottom of page